Triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể Tăng áp lực nội sọ vô căn

Triệu chứng phổ biến nhất của TALNS vô căn là nhức đầu dữ dội, xảy ra ở hầu hết (92–94%) trường hợp. Đau đầu tăng lên vào buổi sáng, đau toàn bộ vùng đầu, tính chất đau đầu là đau nhói. Đau đầu có thể kèm với buồn nôn và nôn. Cơn đau đầu có thể nặng hơn nếu có những hoạt động làm tăng áp lực nội sọ, chẳng hạn như ho, hắt hơi hoặc làm nghiệm pháp Valsava. Cơn đau có thể lan xuống cổ và vai. Nhiều người bị ù tai theo mạch đập, ù tai ở một hoặc cả hai tai (64–87%).[5][6] Nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như dị cảm tứ chi, yếu liệt toàn thân, đau và/hoặc dị cảm ở một hoặc cả hai bên mặt, mất khứu giác và hiếm gặp hơn là thất điều (mất điều hòa vận động); nhưng các triệu chứng này không đặc hiệu cho TALNS vô căn.[5] Trẻ em có nhiều triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh.[7]

Áp lực gia tăng dẫn đến chèn ép hoặc đứt dây thần kinh sọ cho phối cho mặt và cổ, hay gặp nhất là dây thần kinh giạng (thần kinh sọ VI). Dây thần kinh này chi phối vận động cho cơ thẳng ngoài (khi co thì kéo nhãn cầu ra ngoài). Do đó, những người bị liệt thần kinh giạng bị nhìn đôi theo chiều ngang, nhìn đôi trở nên trầm trọng hơn khi nhìn về phía bị liệt. Bệnh hiếm khi làm ảnh hưởng đến thần kinh vận nhãn (thần kinh sọ III) và thần kinh ròng rọc (thần kinh sọ IV); cả hai dây thần kinh III và IV đều có vai trò tạo chuyển động của nhãn cầu.[7][8] Đôi khi thần kinh mặt (thần kinh sọ VII) bị ảnh hưởng, kết quả là các cơ biểu cảm nét mặt ở một hoặc cả hai bên mặt bị liệt hoàn toàn hoặc một phần.[5]

Áp lực gia tăng dẫn đến phù gai thị, tức là phù đĩa thị giác, nơi thần kinh thị giác đi vào nhãn cầu. Biểu hiện này thực tế xảy ra trong tất cả các trường hợp TALNS vô căn, nhưng không phải ai cũng có triệu chứng. Những người gặp phải các triệu chứng thường thấy rằng họ bị "mất thị giác thoáng qua", các đợt mất thị lực xảy ra ở cả hai mắt nhưng không nhất thiết phải có thời gian mất thị lực giống nhau. Phù gai thị không được điều trị trong thời gian dài dẫn đến mất thị lực, ban đầu ở vùng ngoại vi và dần dần lan về trung tâm thị lực.[5][9]

Khám thần kinh thường không phát hiện bất thường. Khám mắt bằng một thiết bị nhỏ gọi là kính soi đáy mắt hoặc chi tiết hơn với chụp ảnh màu đáy mắt (fundus color photography) cho hình ảnh phù gai thị. Nếu có bất thường thần kinh sọ, khi khám mắt có thể phát hiện lác mắt (liệt dây thần kinh sọ III, IV và/hoặc VI) hoặc liệt thần kinh mặt (liệt dây thần kinh sọ V). Nếu phù gai thị đã có từ lâu dẫn đến hạn chế thị trường và giảm thị lực. Khám thị trường bằng chu vi kế (Humphrey) được khuyến nghị vì các phương thức khám thị trường khác kém chính xác hơn. Phù gai thị kéo dài dẫn đến teo thị giác, đặc trưng bởi hình ảnh đĩa thị nhợt nhạt và có giảm thị lực tiến triển.[5][9]